Có nên nhiều bộ sách giáo khoa?

Cá nhân mà nói, tôi nói không.

Một trong những lí do, mà hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng nên có nhiều bộ sách giáo khoa, đó là "bộ sách giáo khoa thống nhất hiện nay có chất lượng kém, có nhiều lỗi, và dư luận không đánh giá cao cách làm việc của hội động biên soạn". Vì thế, nếu bộ Giáo dục làm thế nào đó (chẳng hạn, thay đổi cái cách mà sách giáo khoa được biên soạn và thẩm định) để đảm bảo chất lượng sách giáo khoa tốt nhất, thì khi đó một bộ sách giáo khoa thống nhất là đủ. Điều này vừa tiết kiệm tiền của, vừa đỡ tốn công sức, vừa thống nhất về nội dung (vì kiến thức phổ thông mà), vừa tránh sự xáo trộn trong hoạt động dạy học, và vừa theo xu thế chung của thế giới (nhiều nước sử dụng một bộ sách giáo khoa thống nhất
hoặc cho toàn quốc, hoặc cho từng bang đối với nước lớn mà điều kiện tự nhiên, luật pháp, và văn hóa khá khác nhau thì sách được biên soạn để bao hàm những khác nhau cơ bản riêng có của bang đó).

Đối với nước mình, một quốc gia có diện tích không lớn, tôi thích cả nước chỉ nên có một bộ sách giáo khoa thống nhất. Sách giáo khoa chứa đựng kiến thức phổ thông và vì vậy phải nên thống nhất kiến thức phổ thông. Nó không phải là kiến thức chuyên ngành hẹp và thay đổi nhanh chóng như kiến thức chuyên nghiệp và nghiên cứu chuyên sâu.

Nên chăng cái cần thay đổi hiện nay là thay đổi cái cách mà các bộ sách giáo khoa được biên soạn. Ngoài hội đồng biên soạn/biên tập quốc gia gồm các nhà chuyên môn được tuyển dụng công khai và có chọn lọc, sách giáo khoa trước khi được áp dụng rộng rãi nên được phân phối tới những nhà chuyên môn ở các trường đại học, cao đẳng... không thuộc hội đồng biên soạn để lấy ý kiến đánh giá. Việc đánh giá và đóng góp ý kiến nên thực hiện một cách chuyên nghiệp và khoa học chứ không nên chẳng hạn đưa lên mạng tràn lan (cách làm như vậy giống như "đẽo cày giữa đường", đôi khi còn có những chấm biếm, bôi nhọ cá nhân với nhau thay vì góp ý nội dung). Biên soạn sách giáo khoa nên được xem như một ngành khoa học, các nhà khoa học có những nghiên cứu, có những đánh giá, bài viết, nhận định trên cơ sở lí luận, thực tiến có dẫn chứng, được trình bày tại các hội thảo khoa học, được đăng trên các tạp chí khoa học. Tập hợp các tri thức nghiên cứu này sẽ là một trong những nền tảng lí luận cho việc biên soạn sách giáo khoa.

Bộ giáo dục cũng có thể xã hội hóa công tác biên soạn bằng cách cho phép các tổ chức cá nhân đăng kí biên soạn sách giáo khoa. Nhưng cuối cùng, chỉ một bộ sách giáo khoa tốt nhất sẽ được sử dụng thống nhất. Mặc dù cách này huy động đông đảo nguồn lực và sự sáng tạo của xã hội, tạo ra sự cạnh tranh nhưng vẫn có những nhược điểm chẳng hạn sẽ phân tán lực lượng biên soạn, sẽ phải giải quyết bài toán chọn bộ sách tốt nhất, có vẻ tốn kém (vì nhiều tổ chức làm cùng một việc).

Việc biên soạn cũng cần có lộ trình và thời gian không chỉ 1 năm hay 2 năm rồi dừng mà phải liên tục, chúng ta luôn có một bộ sách giáo khoa nháp sẵn sàng thay thế bộ sách hiện hành đang dùng.

Về vấn đề "khoán quản vỉa hè"

Thật sự có vẻ vô lí khi mà lề đường và vỉa hè là lối đi lại thuộc sở hữu công cộng (của chung) lại giao cho những cá nhân quản lí lấy tiền làm của riêng.
Tự hỏi vì sao người ta thông thường phải xây vỉa hè với một chiều rộng bề ngang theo một tiêu chuẩn nào đó. Điều này là bởi vì với chiều rộng bề ngang như thế, con đường nhìn sẽ thông thoáng và có đủ chỗ cho người dân đi lại trên vỉa hè. Vậy thì không có lí do gì vỉa hè lại mang thêm một trọng trách nữa là chỗ để xe. Hơn nữa, phải thấy rằng, các nhà, quán hai bên đường phải có trách nhiệm dành ra những khoảng không hợp lí dành làm chỗ để xo cho khách và cho chính mình. Chính quyền nên đưa điều này vào như là một điều khoản để cấp giấy phép kinh doanh cũng nhưng là một quy định để phạt những người đỗ xe sai quy định.

Để cho các trường đại học tự biên soạn và xuất bản "Cẩm nang tuyển sinh" của trường mình

Có vẻ nó không còn hợp lí nữa để Bộ giáo dục và đào tạo biên soạn và xuất bản cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh năm...". Điều này là bởi những lí do sau:
1. Số lượng các trường đại học cao đẳng ngày càng tăng lên. Việc biên soạn chung rất khó khăn và tiềm ẩn sự sai sót cao. Mà mỗi lần sai sót thì lại là đính chính. Mà sách này xuất bản hằng năm nên không có khả năng sư dụng lại, rất lãng phí.
2. Bộ GD&ĐT nên tập trung vào việc quản lí vĩ mô, đề ra các chính sách, chiến lược phát triển, luật định để quản lí hệ thông giáo dục. Còn việc thực thi như việc biên soạn cẩm nang tuyển sinh hãy để các trường tự lo liệu.
3. Một thí sinh một năm cũng chỉ tìm hiểu và đăng kí thi vào một vài trường, việc mua một cuốn sách rất dày (và ngày càng dày) vừa tốn tiền các em vừa lãng phí tài nguyên xã hội khi mà các các em không cần thông tin của trường khác.
4. Internet và CNTT cho phép các trường biên soạn
cuốn cẩm nang tuyển sinh của trường mình theo phong cách và văn hóa của trường; và xuất bản nó lên trang web của trường để các em thí sinh truy cập miến phí mọi lúc mọi nơi và cho phép tìm kiếm cũng như tham khảo.

Biết rằng việc giữ "quyền" biên soạn cuốn sách trên mang lại lợi ích cho một số người, tôi chỉ mong họ hãy nhìn vào lợi ích chung.